Đừng bao giờ đánh mất tình đồng nghiệp vì những lý do này

Thứ Hai, 30-05-2016
8h ở văn phòng mỗi ngày, đồng nghiệp là những người mà chúng ta đôi khi gặp nhiều hơn cả gia đình và bạn bè. Sẽ chẳng hay ho gì nếu mối quan hệ với đồng nghiệp nào đó trong công ty trở nên căng thẳng.

Bạn đã bao giờ đánh mất mối quan hệ với đồng nghiệp nào chưa? Sau nhiều năm đi làm và chứng kiến không ít trường hợp như vậy xảy ra, tôi đúc kết ra được những nguyên nhân sau có thể khiến cho mối quan hệ đồng nghiệp bị rạn nứt, thậm chí là không còn nữa.

 

fpt-telecom-dung-bao-gio-danh-mat-tinh-dong-nghiep-vi-nhung-ly-do-nay

1. Vay mượn tiền bạc

Tiền bạc bao giờ cũng là vấn đề rất nhạy cảm và dễ khiến cho bất kỳ mối quan hệ trở nên rạn nứt, nhất là trong công việc. Trong công ty trước đây của tôi, có một cậu bạn cùng phòng thường xuyên mượn tiền từ những người xung quanh nhưng lại “quên” trả. Số tiền mượn chỉ dăm chục ngàn nhưng cậu ấy cứ mượn hết lần này đến lần khác khiến ai cũng phải ái ngại. Không chỉ những người thân thiết, cậu ấy thậm chí chai mặt mượn các đồng nghiệp khác phòng ban. Khỏi phải nói, bởi tiếng xấu đồn xa, mọi người trong công ty bắt đầu cảnh giác khi cậu ấy lại gần mở chuyện và cố gắng hạn chế mọi cơ hội tiếp xúc và làm việc với cậu ấy. 

Dù với bất cứ lý do hay nguyên nhân gì thì hành động mượn tiền đồng nghiệp là điều nên cực kỳ hạn chế. Trong trường hợp bất khả kháng, hãy đảm bảo rằng bạn trả nợ lại đúng hẹn. Đừng để rạn nứt tình đồng nghiệp vì lí do tế nhị này.

2Mâu thuẫn trong công việc

Khi đi làm, xảy ra mâu thuẫn hay xung đột trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng là cách bạn xử lý chúng như thế nào. Chúng ta thường mắc sai lầm khi đưa cảm xúc cá nhân vào giải quyết xung đột. Tôi từng chứng kiến 2 người trong công ty trở thành kẻ thù chỉ vì bất đồng quan điểm về một vấn đề. Để tránh điều này xảy ra, bạn cần có khả năng ứng xử thông minh và khéo léo giải quyết vấn đề.

Cá nhân tôi có 3 lời khuyên giúp bạn hạn chế những mâu thuẫn trong công việc.

  • Học cách lắng nghe từ các đồng nghiệp để hiểu nhau hơn vì mỗi người đều có quan điểm riêng.

  • Ngay khi nhận thấy nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, hãy tìm cách “dập lửa” ngay bằng cách nói chuyện thẳng thắn với người mà bạn đang găp vấn đề. Đừng tránh né!

  • Giải quyết triệt để mọi mâu thuẫn, nếu không chúng sẽ là mầm mống cho những xung đột ngày càng trầm trọng.

3. Buôn chuyện trong văn phòng

Trong mối quan hệ đồng nghiệp, không phải ai cũng thoải mái chia sẻ tất tần tật về cuộc sống cá nhân của mình. Nhất là trong công việc đòi hỏi tác phong chuyên nghiệp. Những chủ đề thảo luận tốt nhất chỉ nên gói gọn những vấn đề liên quan đến công việc. Văn phòng là nơi làm việc, không phải quán cà phê để bạn vô tư nói về bất kỳ điều gì. Đồng ý rằng công việc đôi lúc rất căng thẳng và trò chuyện với đồng nghiệp cũng là một cách giảm stress hiệu quả. Tuy nhiên, hãy dừng lại ở mức độ cho phép. Chẳng hay ho gì khi bạn trở thành “thánh thông tin” ở nơi công sở.

Chị A trong công ty của tôi được mọi người đặt biệt danh là Ms. Biết Tuốt, tức là tất cả thông tin của mọi người chị ấy đều nắm trong lòng bàn tay và luôn kiếm người buôn dưa lê những thông tin này. Khả năng “bới lông tìm vết” của chị ấy đạt đến mức thượng thừa, không gì có thể qua được mắt chị ấy. Với mức độ nguy hiểm như vậy nên nhiều người ngại trò chuyện với chị A vì lo sợ mình bị kéo vào sở thích buôn chuyện của chị hoặc sẽ trở thành chủ đề để chị “tám” với ai đó. Nếu bạn không muốn bị mọi người tránh xa, hãy học cách tôn trọng chuyện cá nhân của người khác nhé.

4. Tính ganh đua

Cạnh tranh trong công việc là điều được khuyến khích vì nó kích thích mọi người nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, đừng bao giờ để nó trở thành tính ganh đua hơn thiệt. Thực tế, nếu bạn quá chú trọng vào tranh giành lợi ích cho bản thân, bạn sẽ trở nên rất ích kỷ và hoàn toàn đánh mất tình đồng nghiệp nên có ở văn phòng.

Lý do tôi quyết định thôi việc ở công ty cũ cũng chính vì văn hóa ganh đua. Ở đây hoàn toàn không có khái niệm “tình đồng nghiệp”. Không phải tôi mềm yếu kém tự tin về khả năng của mình hay tôi không có tinh thần đua tranh mà là vì tôi quá mệt mỏi với việc mọi người cứ so sánh hơn nhau từng tí một. Ai nấy cũng đều vì thành tích riêng của mình và luôn tranh giành phần hơn về phía mình.

Bản chất công việc cũng đã nhiều căng thẳng nên nếu chúng ta cứ mải so sánh hơn kém nhau, sẽ tự tạo thêm áp lực khiến công việc trở nên càng nặng nề hơn. Thay vào đó, tinh thần sẽ thoải mái hơn, công việc sẽ bớt đi phần nào áp lực nếu mọi người biết hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Lời kết:

8h ở văn phòng mỗi ngày, đồng nghiệp là những người mà chúng ta đôi khi gặp nhiều hơn cả gia đình và bạn bè. Sẽ chẳng hay ho gì nếu mối quan hệ với đồng nghiệp nào đó trong công ty trở nên căng thẳng. Nếu bạn không muốn công việc càng trở nên nặng nề hơn, hãy hạn chế thấp nhất những việc kể trên nhé.

 

(Chia sẻ của độc giả. Nguyen Vu, Vietnamworks)

‪#‎fpttelecom‬ ‪#‎ftel‬ ‪#‎ftelfun‬ ‪#‎fptjobs‬