Làm sao để chọn một công việc phù hợp với bạn?

Thứ Sáu, 04-11-2016
Dù bạn là sinh viên mới ra trường, hay kể cả những người đã có một vài năm kinh nghiệm, việc hiểu rõ mong muốn chọn ngành nghề của mình, cũng như hiểu rõ về các công việc trên thị trường, sẽ giúp ích rất nhiều và giú bạn rút ngắn thời gian cũng như công sức bỏ ra để tìm việc.

Dù bạn là sinh viên mới ra trường, hay kể cả những người đã có một vài năm kinh nghiệm, việc hiểu rõ mong muốn chọn ngành nghề của mình, cũng như hiểu rõ về các công việc trên thị trường, sẽ giúp ích rất nhiều và giú bạn rút ngắn thời gian cũng như công sức bỏ ra để tìm việc.

Trước khi bắt đầu tìm việc, bạn nên cân nhắc xem liệu loại công việc như thế nào thì phù hợp nhất với bạn. Khi mình hỏi câu hỏi đó, nhiều bạn thường trả lời với mình rằng “Tớ không biết!”, “Tớ làm gì cũng được”, “Tớ đang tìm kiếm một công việc văn phòng”, vân vân và vân vân. Những thông tin như trên quá chung chung, và chưa thể giúp bạn định hướng được cho mình. Khi bạn còn chưa thể định hướng được bản thân, làm sao bạn thể hiện được với nhà tuyển dụng rằng bạn toàn tâm toàn ý 200% với công việc của họ? Vì vậy, để tìm hiểu xem mình thích làm công việc như thế nào, hãy thử hỏi bản thân mình một số câu hỏi sau:

 

Bạn chỉ đang muốn tìm một công việc tạm thời hay theo đuổi một sự nghiệp lâu dài?

  • Bạn đang tìm kiếm một việc làm chỉ đơn giản để kiếm tiền sinh hoạt, hay bạn đang theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp bạn đã đặt ra?
  • Có phải bạn muốn một công việc như bạn đang làm, nhưng ở một môi trường khác?
  • Bạn đã toàn tâm toàn ý 100% với công việc hiện tại chưa và nếu rồi, bạn đang muốn tìm kiếm một môi trường, một thử thách mới phải không?
  • Có phải bạn đang tìm kiếm một cơ hội thăng tiến trong công việc của mình?

 

Bạn thích làm gì?

Mình cảm thấy vui hơn, mỗi ngày trôi qua nhanh hơn khi mình đang làm công việc hiện tại, đó là công việc mình thích, phù hợp với tính cách, kĩ năng và sở thích của mình.

Bạn nào muốn tìm hiểu về tính cách, kĩ năng, sở thích của bản thân có thể gửi cho mình một lá thư vào email vieclam@fpt.com.vn mình sẽ gửi cho bạn một số bài test và tư vấn chuyên sâu hơn.

 

Có những loại hình công việc nào trên thị trường hiện nay?

Có rất nhiều loại hình làm việc, không chỉ đơn thuần là part-time job và full-time job như nhiều bạn nghĩ. Với những bạn mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn có thể tham khảo một số loại hình công việc như:

  • Làm việc hợp đồng toàn thời gian: Nếu bạn đã có một định hướng rõ ràng cho ngành nghề mình theo đuổi, hãy tìm kiếm một công việc full-time. Công việc full-time sẽ giúp bạn nhận được những gì tốt nhất từ công ty và giúp bạn có được sự ổn định.
  • Công việc ngắn hạn, tạm thời: Có rất nhiều công ty có nhân viên nghỉ đẻ chẳng hạn, và họ offer một vài công việc ngắn hạn trong 3 tháng đến 6 tháng. Nếu bạn là người đang tìm kiếm những công việc ở nhiều ngành nghề khác nhau để nâng cao kĩ năng và kinh nghiệm, đây là một lựa chọn không tồi.
  • Internship/Thực tập: Đã là thực tập, bạn phải xác định không có lương. Nếu có lương cũng chỉ là số ít. Những công việc thực tập thừa kéo dài từ 3 tháng đến 6 tháng, tuỳ công ty và không có nhiều lương. Bạn nên tìm kiếm một công việc thực tập nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy cố gắng trong thời gian đó, học hỏi càng nhiều càng tốt, học từ những cái nhỏ nhất như sử dụng máy photocopy, vân vân. Chứ đừng ngáp lên ngáp xuống cả ngày và than vãn chuyện không lương nhé.
  • Graduate/Management Trainee – Tập sự: Mấy công việc kiểu này thường hay của công ty lớn, họ tuyển dụng các bạn khi còn là sinh viên để làm việc cho họ và họ cũng dành thời gian 12-18 tháng để đào tạo cho các bạn luôn.
  • Apprenticeship – học nghề: Cái loại hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam, và thường phù hợp với các bạn bên kĩ thuật. Ví dụ các bạn học cơ khí hay lắp ráp điện tử có thể ngóng việc ở các công ty như Microsoft, Intel hay Bosch, vì Việt Nam đang rất thiếu nhân lực có tay nghề ở ngành này, nên các công ty này thường tuyển dụng các bạn sinh viên năm 3, năm cuối có kiến thức nhưng chưa nhiều kinh nghiệm vào làm việc và họ sẽ đào tạo nghề luôn cho các bạn. Nhiều công ty họ còn cung cấp học bổng cho bạn đi Nhật, đi Thái học hỏi kinh nghiệm sau đó về làm cho họ đó.
  • Tình nguyện viên/ làm việc cho tổ chức phi chính phủ. Nhiều bạn không mặn mà lắm với loại hình này, vì các công việc này cũng giống như thực tập, ít khi được trả tiền. Tuy nhiên, nếu bạn đang cần kinh nghiệm, đây là một loại hình công việc dễ dàng nhất cho bạn lấy kinh nghiệm. Trước tiên là đầu vào không hề khó, nếu không muốn nói là dễ. Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, bạn có cơ hội trải nghiệm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, lại còn được giao tiếp tiếng Anh, học hỏi từ chuyên gia. Và các tổ chức phi chính phủ còn có rất nhiều các mối quan hệ, để từ đó họ giới thiệu học bổng cho bạn đó.

 

Bạn muốn làm việc ở đâu?

Đây cũng là một câu hỏi hay bạn nên cân nhắc trước khi bắt đầu tìm việc. Hãy nghĩ về lối sống của bạn, bạn đang FA, có thể làm thâu đêm suốt sáng, hay bạn đang có tình yêu đẹp như mình, chỉ muốn làm đủ 8 tiếng và tối về đi chơi với người yêu? Tương tự, liệu bạn có sẵn sàng bỏ thời gian làm cuối tuần hay không. Chỗ làm đó xa hay gần nhà bạn, đi làm về khuya lái xe máy có được không?

Hãy cân nhắc thật kĩ trước khi bắt đầu ứng tuyển và khi trả lời phỏng vấn với nhà tuyển dụng. Đừng để đến lúc đi làm rồi thấy không hợp lại cằn nhằn hen.

Bạn muốn làm việc với ai?

Trả lời câu hỏi này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khối thời gian và công sức để nộp đơn xin việc đó. Tuỳ thuộc vào mục đích kiếm việc của bạn, bạn có thể cân nhắc một số yếu tố như:

  • Bạn muốn làm việc cho một công ty lớn như Unilever, nơi bạn tận dụng tối đa kĩ năng ở một lĩnh vực bạn giỏi nhất?
  • Hay bạn muốn làm việc cho một công ty vừa và nhỏ, nơi bạn có cơ hội trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau?
  • Bạn muốn làm việc cho một công ty nổi tiếng hay một công ty có nhiều cơ hội được luyện tập?
  • Bạn muốn làm trong môi trường chuyên nghiệp quốc tế hay thân thiện kiểu Việt Nam?

Khi bạn đã bắt đầu mường tượng được cho mình một cái nhìn rõ ràng hơn về môi trường bạn muốn làm việc, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn công việc ứng tuyển đó.

 

Bạn có thể tiếp cận nhà tuyển dụng bằng cách nào?

Bạn có thể gặp mặt trực tiếp ở những buổi networking, gọi điện tự giới thiệu hoặc gửi cho họ một email với CV và Cover Letter của bạn. Hãy nhớ rằng dù bằng cách nào, hãy cố gắng cá nhân hoá cuộc trò chuyện của bạn, bằng cách thể hiện sự hứng thú tuyệt đối với vị trí và công ty bạn đang ứng tuyển.

Nhà tuyển dụng rất hứng thú với những ứng viên hiểu biết về sản phẩm, dịch vụ của họ, vì vậy trước khi nộp đơn hay liên hệ với nhà tuyển dụng, hãy dành một chút thời gian lên mạng tìm hiểu xem họ bán gì, bán giá bao nhiêu, có scandal gì không nhé.

 

Cuối cùng, bạn muốn kiếm bao nhiêu?

Trước khi ứng tuyển, hãy có trong đầu một một con số cụ thể bạn muốn kiếm được một tháng là bao nhiêu. Sau đó hãy tìm những công việc có mức lương đề xuất thấp hơn một xíu hoặc cao hơn một xíu so với mức bạn mong muốn.

- Nguồn: CareerBlog LeAnhTuan -