Phỏng vấn “ngầm” – Tuyệt chiêu của nhà tuyển dụng

Thứ Tư, 17-08-2016
Những cuộc phỏng vấn “bí mật” tiết lộ nhiều điều mà ứng viên có thể vô tình hay cố ý che giấu trong buổi phỏng vấn chính thức với nhà tuyển dụng.

Phỏng vấn “ngầm” – Tuyệt chiêu của nhà tuyển dụng

Những cuộc phỏng vấn “bí mật” tiết lộ nhiều điều mà ứng viên có thể vô tình hay cố ý che giấu trong buổi phỏng vấn chính thức với nhà tuyển dụng.

fpt-telecom-phong-van-ngam-tuyet-chieu-cua-nha-tuyen-dung

Các buổi phỏng vấn luôn mang lại nhiều thông tin quan trọng. Nhưng đôi khi bạn không thể biết ứng viên đang thật sự nghĩ gì. Đó là lí do tại sao phỏng vấn bí mật sẽ có thể là tuyệt chiêu của bạn.

 

Phỏng vấn bí mật là gì? Các buổi phỏng vấn này thường được thực hiện bằng việc mời ứng viên tham quan công ty. Bạn sẽ bất ngờ vì chuyến tham quan này giúp bạn khám phá được nhiều điều ở ứng viên về động lực, sở thích và khả năng phù hợp với công ty.

 

Vài năm trước, tôi phụ trách bộ phận Sản xuất. Cấp trên của tôi vừa phỏng vấn xong cho một vị trí quản lý và chuẩn bị dẫn ứng viên ấy đi một vòng nhà máy. Tôi tình cờ có mặt ở đó. Sếp nhìn thấy tôi và nói “Hùng này, cậu có thể dẫn Minh đi một vòng không? Anh ấy đang ứng tuyển vị trí bên bộ phận Dịch vụ Khách hàng. Được phải không? Cám ơn nhé!”

 

Minh chắc hẳn đã băn khoăn “Người này có chức vụ gì lớn trong công ty không nhỉ?”. Minh không biết tôi, sếp cũng không giới thiệu chức danh của tôi, và chính tôi cũng không đề cập vì tôi không quan tâm nhiều. Khi Minh hỏi tôi mới nói “Tôi làm ở bộ phận sản xuất” như tôi vẫn thường nói. Nhìn trang phục của tôi, Minh cũng không thể đoán. Dù các nhà quản lý khác đều mặc đồ công sở, tôi chỉ mặc quần jean và áo thun, vì 90% thời gian làm việc của tôi là ở nhà máy, dễ lấm bẩn, và tôi không bị bắt buộc phải mặc đồ công sở.

 

Vì thế, Minh nghĩ tôi chỉ là một người công nhân. Anh ta hỏi tôi những câu mà tôi chắc chắn anh ấy sẽ không bao giờ hỏi nếu biết vị trí thật trong công ty của tôi.

 

Tôi khám phá ra:

- Anh ấy bị buộc nghỉ việc ở 2 công ty trước đây nhưng không phải do lỗi của anh ấy. Sếp cũ đã gây mâu thuẫn, không tạo điều kiện để anh ấy thăng tiến.

 

- Anh ấy không được hiệu quả lắm cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân vì chỉ thích nói thay vì bắt tay thực hiện.

 

- Anh ấy muốn biết liệu có quy định không cho phép hẹn hò với đồng nghiệp, đặt biệt đối với nhân viên cấp dưới của mình.

 

- Anh ấy hỏi bao lâu thì có thể trao đổi với sếp một lần vì anh ấy nhận ra sếp tôi không thật sự tốt cho lắm.

 

Sếp đã định tuyển anh ấy trước khi tôi kể lại mẩu đối thoại của tôi và Minh. Sếp bảo “Tôi không hề biết cậu ta là người như vậy. Cậu ta đã rất tuyệt trong buổi phỏng vấn. Làm sao cậu biết được nhiều điều thế?” Tôi đáp lại “Tôi không làm gì cả. Cậu ấy tự kể thôi”.

 

Sau đây là lí do tại sao phỏng vấn bí mật mang lại hiệu quả:

 

-  Một số ứng viên thể hiện rất tốt trước mặt CEO, nhưng họ không ứng xử tốt nếu họ nghĩ người đối diện dưới quyền họ. Nếu bạn muốn hiểu rõ một người đối nhân xử thế như thế nào, hãy cùng họ ăn trưa. Cách họ nói chuyện với người phục vụ bàn sẽ thể hiện kỹ năng giao tiếp thực sự của họ.

 

- Nhiều ứng viên muốn hiểu rõ về công ty. Việc này cũng khá công bằng vì phỏng vấn là quá trình tương tác hai chiều. Ứng viên thường sẽ hỏi người dẫn họ đi dạo trong công ty những câu mà họ sẽ không bao giờ hỏi bạn, và giúp bạn hiểu được suy nghĩ và cảm nhận thật sự của ứng viên.

 

- Một số khác thì không thể hiện tốt trong buổi phỏng vấn. Khi được thư giãn và đi dạo trong công ty, họ lại bộc lộ nhiều tiềm năng hơn.

 

Lần tuyển dụng tiếp theo, bạn hãy thử áp dụng. Lựa chọn một người trong công ty mà bạn tin tưởng, đừng giới thiệu chức danh và dặn họ không nói rõ chức danh nếu được hỏi. Khi bạn phỏng vấn xong, hãy nói với ứng viên “Tuấn sẽ dẫn bạn đi dạo một vòng để bạn hiểu rõ hơn về công ty. Bạn cứ từ từ, tôi sẽ gặp lại bạn khi bạn xong”. Bạn càng biết nhiều về ứng viên, có thêm ý kiến tham khảo từ người bạn tin tưởng, thì bạn càng dễ ra quyết định tuyển dụng đúng đắn.

 

Phỏng vấn bí mật là cơ hội để ứng viên sáng giá chứng tỏ khả năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc, và giúp bạn có quyết định tuyển dụng tốt hơn. Chẳng phải đây chính là mục tiêu quan trọng nhất của việc tuyển dụng sao?

– HR Insider / VietnamWorks –