Làm sao để “lọt lưới” nhà tuyển dụng?
Thứ Hai, 13-06-2016
Có thời điểm bạn sẽ ghen tị với bạn bè xung quanh, họ được cái này hay cái kia. Nhưng sẽ có một ngày mà người thắng, người thua không còn quan trọng nữa. Vì nếu bạn biết cách phát triển con đường của mình lâu dài hơn, thì bạn mới là người thành công nhất.
1. NHỬ MỒI
Quan điểm của Ổ là: “Nếu cho tôi biết mạng xã hội của bạn, tôi sẽ nói được bạn là ai.” Bạn năng nổ hay trầm tính, bạn hướng nội hay hướng ngoại, bạn khiêm tốn hay phóng đại, và có đam mê thực sự với ngành nghề mình chọn hay không. Thậm chí, một nhà tuyển dụng còn có thể đọc vị được bạn có đang nói dối không khi so sánh CV của bạn và những gì bạn thể hiện trên mạng xã hội.
Vì vậy, Ổ chia làm hai phần với hai mục đích có sự khác biệt rõ rệt:
- Cơ bản (Facebook, Youtube, Tumblr, Gmail): nơi tạo dựng hình ảnh của bạn một cách chuyên nghiệp hơn, thể hiện rõ tính cách của bạn đối với môi trường tuyển dụng đó. Ví dụ: nếu bạn apply cho Suntory Pepsico hoặc một công ty về sáng tạo, hãy dùng các ảnh năng động thể hiện chính mình trên Facebook, chia sẻ tích cực hay làm những video clip sáng tạo trên Youtube. . . (bạn có thể tham khảo thêm trong slide)
- Nâng cao (LinkedIn, SlideShare, Website cá nhân, các kênh tuyển dụng): đây chính là nơi thể hiện các sản phẩm trí tuệ, năng lực và kinh nghiệm của bạn.
Về bản thân Ổ, Ổ nhận được ít nhất 5 offer công việc qua Facebook, sớm nhất là vào năm 2 đại học với vị trí Trưởng nhóm Marketing ở Hà Nội (công ty gọi vốn đầu tư của miền Nam), các lần khác là nhờ các bài viết chất lượng và cách mà Ổ viral trên các Group marketing. Ổ cũng nhận được 2 lời mời gọi điện từ Vietnamworks, chỉ sau khi cập nhật thông tin cá nhân trên đó một ngày, đây là kênh tuyển dụng mà Ổ khá thích.
Ngoài ra, việc chia sẻ trong phần này và những câu hỏi liên quan đến việc tuyển dụng khá dài nên các bạn có thể đặt câu hỏi trong bài này, trên page hoặc Group của Ổ nhé, Ổ sẽ giải đáp chi tiết và cụ thể hơn :).
2. THẢ LƯỚI
Sau khi chuẩn bị xong bước 1 và được mời đi phỏng vấn, thì đây là phần mà Ổ hay gọi là “vòng đối mặt sinh tử” với nhà tuyển dụng. Với những bạn tự tin rằng bước 1 của mình đạt 80% những gì đúng là mình (tính cách, năng lực, thái độ) thì vòng này bạn sẽ có thể yên tâm hơn vì nhà tuyển dụng đã có ấn tượng tốt với bạn trước đó.
Nếu như nhà tuyển dụng chưa bắt được “mồi” bạn thả, nghĩa là chưa được tiếp cận với những gì bạn đã mời gọi họ xem trước, thì ở vòng phỏng vấn trực tiếp này, Ổ chia sẻ với các bạn 3 bước để làm chủ cuộc phỏng vấn, nó là quy trình đơn giản với 3 bước: Trước – Trong – Sau.
- Trước phỏng vấn: Có hai việc quan trọng bạn cần chuẩn bị:
Nhà tuyển dụng: bao gồm Công ty và Người tuyển dụng. Thông thường, các bạn chỉ đọc qua về công ty mà bỏ qua mất phần rất quan trọng: văn hóa công ty. Các bạn cần luôn tâm niệm rằng: nhà tuyển dụng không tuyển người quá giỏi (vì bản thân sinh viên cũng chưa thể dày dặn kinh nghiệm được) mà họ sẽ ưu tiên người phù hợp với văn hóa của công ty họ. Văn hóa của Pepsico là cởi mở, chia sẻ, năng động, cá tính. Ngược lại, văn hóa của các công ty Nhật Bản như Minami Fuji (công ty tài trợ dự án Global Management College) lại hướng về sự nghiêm túc, cầu tiến, tôn trọng nhau, cẩn thận, chín chắn. Nếu bạn không tìm hiểu kĩ (các bài báo về công ty, những gì công ty đã làm, sứ mệnh, giá trị…) thì sẽ không khác gì bạn mang chiếc lưới thủng đến bảo công ty vá giúp em cho hoàn thiện. Hãy tự phù hợp với công ty, đừng để công ty phải phù hợp với bạn. Còn về người tuyển dụng, hãy tìm hiểu mọi thứ có thể: từ LinkedIn, Facebook, hoặc với những sếp trực tiếp tuyển dụng, sẽ có sẵn bài báo hoặc những thông tin về họ. Đọc, tìm hiểu và ghi chú cẩn thận để biết trước đặc điểm tính cách của họ, từ đó soạn ra danh sách những tình huống rủi ro trong phỏng vấn.
Cá nhân: Ổ khuyên các bạn nên tìm hiểu về công ty trước, để từ đó có thể xác định mức độ phù hợp của mình với công ty. Và nếu nhận ra sự không phù hợp nhưng bạn vẫn rất thích công ty đó, hãy TỰ THAY ĐỔI. Ép mình thay đổi trong một, hai ngày trước buổi phỏng vấn không phải điều dễ dàng. Nhưng nếu bạn trúng tuyển, thì bạn sớm muộn cũng sẽ phải làm điều đó. Và đây là cách rèn luyện mà Ổ vẫn hay áp dụng, để thử thách bản thân mình và rèn luyện tính linh hoạt trong mọi môi trường. Hãy ghi nhớ hai phần: THÁI ĐỘ và NĂNG LỰC, từ đó chuẩn bị cho bài pitching (mời chào) chính bản thân mình trước nhà tuyển dụng.
- Trong và Sau phỏng vấn: Như Ổ có gợi ý trong slide, các bạn hãy tự tìm hiểu và nghiên cứu nhé. Đây cũng chỉ là những trải nghiệm mà Ổ có được, nên Ổ tin rằng khi các bạn có những trải nghiệm của riêng mình, thì các bạn sẽ tự xây được một quy trình “thả lưới” còn xịn hơn cả Ổ đó.
Trong phần này, Ổ cũng chia sẻ hai ví dụ Ổ đã áp dụng thành công: đó là phỏng vấn qua điện thoại với một cuộc thi của Unilever và của chương trình Lãnh đạo Tài năng châu Á – Global Management College (GMC) với 4 vòng tuyển dụng bằng tiếng anh.
3. CẮN CÂU
Ở GMC, Ổ đã học được rất nhiều cách ứng xử giữa các đồng nghiệp với nhau, trong đó có một quy tắc mà Ổ rút gọn thành câu thần chú: “HAI, HAI, MỘT”. Con người chỉ có hai mắt để nhìn, hai tai để lắng nghe, và một miệng để nói. Vì vậy, hãy luôn chú ý quan sát, lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh, và nói ít đi. Như vậy, con người sẽ trở nên tiến bộ không ngừng, và phát triển nhanh nhất có thể.
4. TẠM KẾT
Ổ dùng từ “tạm”, vì còn rất nhiều điều để nói, mà trong một bản recap không thể gói gọn được.
Dành cho các bạn, Ổ tặng câu nói của người mẫu Thanh Hằng, trích trong Chung kết Vietnam Next Top Model 2015 mà Ổ ghi nhớ mãi:
“NGƯỜI THÀNH CÔNG NHẤT, LÀ NGƯỜI ĐI XA NHẤT”
Có thời điểm bạn sẽ ghen tị với bạn bè xung quanh, họ được cái này hay cái kia. Nhưng sẽ có một ngày mà người thắng, người thua không còn quan trọng nữa. Vì nếu bạn biết cách phát triển con đường của mình lâu dài hơn, thì bạn mới là người thành công nhất.
NGUỒN: Ổ MARKETING
#fpttelecom #ftel #fptjobs #fpttelecomtuyendung #vieclam #fteljobs