Viết CV như thế nào để 10/10 nhà tuyển dụng đều muốn đọc

Thứ Sáu, 08-07-2016
Viết CV như thế nào để 10/10 nhà tuyển dụng đều muốn đọc

Viết CV như thế nào để 10/10 nhà tuyển dụng đều muốn đọc

 

viet-cv-nhu-the-nao-de-1010-nha-tuyen-dung-deu-muon-doc

Cứ mỗi khi phải chuẩn bị phải viết CV, mình nghĩ chắc chẳng bạn nào thích thú gì cả. Bạn sinh viên chuẩn bị ra trường thì chẳng biết viết gì vào CV. Bạn đang muốn nhảy việc thì cứ phân vân mãi không biết phần nào nên viết, phần nào nên cắt ở trong CV. Vậy nên cứ loay hoay cả tiếng đồng hồ vẫn không được một bản CV hoàn chỉnh.

Vậy nên bài viết này mình sẽ dành chút thời gian chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm cơ bản trong việc viết một bản CV chỉn chu, giúp 10/10 nhà tuyển dụng khi cầm CV của bạn sẽ muốn đọc tiếp liền.

Những sai lầm nào thì thường thấy nhất ở trong CV?

Có một lỗi mà mình hay nhìn thấy nhất ở CV các bạn gửi cho mình bây giờ đó là sự luộm thuộm trong CV của các bạn. Luộm thuộm ở đây thể hiện rõ ràng nhất ở cách trình bày. Chỗ thì thò ra, chỗ thì thụt vào. Dùng font chữ, size chữ lung tung không đồng nhất. Dùng quá nhiều bullet point trong một trang CV, vân vân. Rất nhiều bạn thường ghi rằng mình giỏi Microsoft Office ở trong CV, nhưng chỉ cần nhìn cách bạn trình bày một bản CV là biết ngay bạn có giỏi hay không ấy mà?

Đây là một ví dụ về cách trình bày rất cẩu thả trong CV.

 

Lỗi thứ 2 mà mình cũng rất hay nhìn thấy ở trong CV của các bạn đó là sau khi đọc xong CV của các bạn, nhà tuyển dụng sẽ tự hỏi ‘So What?’. Tức là những gì các bạn mô tả trong phần kinh nghiệm của các bạn quá chung chung, không khác gì các bạn đang copy lại y nguyên một cái job description của vị trí đó cả. Nhà tuyển dụng khi đọc đến phần kinh nghiệm làm việc, họ muốn thấy quy mô, kết quả công việc làm việc của bạn – và những điều này thể hiện qua các con số trên đó. Ví dụ nếu bạn quản lý dữ liệu khách hàng thì nhà tuyển dụng muốn biết dữ liệu đó bao nhiêu người. Nếu bạn làm survey nghiên cứu khách hàng thì kết quả của cuộc nghiên cứu đó ra sao. Hãy cụ thể ra nhé.

Đây là một ví dụ của việc viết diễn giải kinh nghiệm làm việc quá chung chung.

Một lỗi cuối cùng mà các bạn có thể nhìn thấy ngay ở phần hình ảnh ví dụ ở trên: đó là việc sắp xếp theo thứ tự thời gian. Khi bạn sắp xếp bất kì phần thời gian nào trong CV, dù đó là kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khoá hay là học vấn đi chăng nữa, bạn cần phải sắp xếp thời gian theo thứ tự từ gần nhất đến xa nhất. Ví dụ các công việc đang làm phải được để ở trên, sau đó mới đến các công việc đã làm tiếp theo.

Phần Tóm tắt công việc/Mục tiêu nghề nghiệp có cần thiết trong CV không?

Phần này sẽ tuỳ thuộc và độ kinh nghiệm hiện tại của bạn nhé. Phần này cũng không bắt buộc phải có ở trong CV. Nếu bạn đã đi làm khá nhiều nơi, có kinh nghiệm và kĩ năng ổn rồi, đủ để viết rất nhiều vào một bản CV thì bạn không cần phần này. Còn nếu bạn là sinh viên mới ra trường thiếu kĩ năng hay là người đi làm muốn nhảy việc nhưng thiếu kinh nghiệm trong một lĩnh vực mới, thì bạn nên có phần này ở trong CV.

Theo kinh nghiệm cá nhân của bản thân, mình thích đọc một bản tóm tắt công việc hay còn gọi là Career Summary hoặc Profile, trong đó có một mục nhỏ là mục tiêu nghề nghiệp hơn là đọc một phần mục tiêu nghề nghiệp không. Mình sẽ cho các bạn xem 2 ví dụ về một mục tiêu nghề nghiệp tốt và một mục tiêu không tốt lắm nhé.

 

Đây là ví dụ của một phần mục tiêu nghề nghiệp không tốt để ghi vào CV.

 

Bạn đã đọc hết hình ảnh ở trên chưa? Khoan quan tâm đến công việc hay vị trí mà bạn này đang định ứng tuyển, bạn có biết được mục tiêu nghề nghiệp của bạn ấy là gì không? Chắc chắn là không rồi. Khi mình đọc phần mục tiêu nghề nghiệp này, mình chỉ thấy bạn ấy MUỐN làm ở môi trường chuyên nghiệp, năng động, được áp dụng các kĩ năng ở trường vào công việc – những cái này thì ai cũng muốn mà, đúng không? Cái mình muốn thấy là công việc mà bạn ấy hướng đến trong tương lai, vị trí lĩnh vực nào bạn ấy dự định phát triển thì không có trong này. Vậy hãy xem thêm một ví dụ ổn hơn ở dưới này:

Đây là một mục tiêu nghề nghiệp khá rõ ràng giúp nhà tuyển dụng mường tượng được về dự định của ứng viên.

 

Khác với ở trên, khi bạn đọc phần mục tiêu này bạn sẽ liên tưởng ngay đến Marketing, đặc biệt là Brand Marketing, phải không nào? Đơn giản vì bạn này đã đưa vào những từ khoá liên quan đến lĩnh vực này trong phần Summary của bạn ấy. Đây là một phần Summary rất ngắn gọn và dễ giúp cho nhà tuyển dụng nắm bắt về bạn đấy. Một phần Summary tốt nên có 3 phần là 1) Background của bạn; 2) Kĩ năng thế mạnh của bạn và 3) Mục tiêu về lĩnh vực làm việc của bạn trong 1-3 năm tới.

Vì sao mà vẫn còn nhiều bạn đang thất nghiệp?

Mình nghĩ đây là một câu hỏi lớn, có nhiều vấn đề cần giải quyết trong đó, và thực chất thì cả xã hội đang đau đầu về nó. Tuy nhiên với kinh nghiệm của bản thân sau hơn 1 năm làm việc ở lĩnh vực này, mình nhận thấy có một số vấn đề nhỏ có thể giải quyết ngay như thế này:

  1. Các bạn sinh viên chưa biết cách chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh – hay nói cách khác là các bạn chưa chú trọng vào việc cần chuẩn bị một bộ hồ sơ nghiêm túc. Ý mình ở đây là khi các bạn đang cần ứng tuyển cho một công việc nào đó, các bạn mới bắt đầu đi tìm kiếm trên Internet những mẫu hồ sơ có sẵn, học lỏm cách viết của họ và biến thành hồ sơ của bạn. Việc thiếu những kiến thức nền tảng (mà những kiến thức này không khó lắm) trong việc viết một bản CV sao cho đúng khiến cho rất nhiều bạn tuy có nhiều thành tích, kĩ năng rất tốt nhưng ứng tuyển chỗ nào cũng bị từ chối.

  2. Các bạn chưa hiểu rõ bản thân mình thích gì, muốn gì và vì sao lại chọn ứng tuyển công việc đó. Mình thấy nhiều bạn cứ gửi CV đi tùm lum, việc nào lương cao, gần nhà hoặc hot hot là cứ gửi CV luôn mà không thèm sửa lại CV cho đúng. Có khi thấy bạn bè ứng tuyển vào đó đông đông nên mình cũng ứng tuyển theo cho vui. Chính vì các bạn hời hợt trong việc ứng tuyển như vậy nên tỉ lệ thành công thường không có cao. Vậy nên trước mỗi buổi học CV, lúc nào mình cũng dành phần đầu tiên để giúp các bạn tìm hiểu về bản thân trước. Ít ra phải biết mình thích gì, mình muốn làm việc với ai, môi trường như thế nào, mình hiểu gì về thị trường thì lúc đó hẵng ứng tuyển.

Thương hiệu cá nhân có quan trọng khi đi tìm việc? 

Có, quan trọng lắm chứ. Không phải cứ là người nổi tiếng thì mới cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân đâu nhé. Việc các bạn tự xây cho bản thân một thương hiệu cá nhân tốt thì sẽ giúp các bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức khi đi tìm việc đó. Ví dụ như mình, một năm trước thì sẽ chẳng ai biết mình là ai đâu, nhưng hiện tại thì các công ty mà quan tâm đến ‘recruitment’ hay ‘consultant’ thì họ sẽ liên hệ với mình sau khi xem LinkedIn và blog cá nhân của mình đấy.

Mình thấy là bạn nào cũng có thể tự phát triển cho bản thân được một thương hiệu cá nhân hết. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu của riêng mình đúng không. Vậy thì để phát triển được một thương hiệu cá nhân thì bạn cần phải show ra được với người khác điểm mạnh của các bạn. Ví dụ bạn rất thích thời trang đúng không? Hãy lập luôn một blog miễn phí trên WordPress hoặc Wix và dành 30 phút mỗi ngày viết về những vấn đề về thời trang. Hay bạn thích marketing? Hãy làm việc tương tự nhưng viết về chủ đề marketing. Cá nhân mình thấy việc phát triển thương hiệu cá nhân online vào thời điểm này không có khó, sự khác biệt giữa người phát triển thành công và người thất bại là nằm ở sự kiên nhẫn của các bạn. Kiên nhẫn + một chút đam mê sẽ giúp bạn có một thương hiệu cá nhân tốt.

Còn nếu bạn chưa biết mình có điểm mạnh gì thì sao? Hãy hỏi những người xung quanh mình. Hãy tham khảo hình thức 360 Interview, trong đó có một câu hỏi nhỏ là nhờ bạn bè, anh chị, bố mẹ, đồng nghiệp dành ra 3 từ để miêu tả về bạn trong công việc. Bạn sẽ bất ngờ với những câu trả lời nhận được đấy.

Về đam mê, tiền và công việc mơ ước

Mình có nhận được nhiều email và inbox hỏi về việc tìm kiếm đam mê. Nhiều người chẳng biết mơ ước của họ là gì, nhưng họ biết rõ là họ không hài lòng với công việc hiện tại. Vậy việc đầu tiên bạn cần làm là lên một danh sách những công việc lý tưởng, những yếu tố lý tưởng trong công việc mà bạn thích, và nhất thiết là phải viết nó ra – đừng nghĩ mà không viết.

Không biết vị trí công việc chính xác hay ngành nghề chính xác mà bạn muốn? Không sao, hãy bắt đầu với những thứ bạn biết, ví dụ như “Mình muốn làm việc thời gian như thế nào?”, “Mình muốn làm việc với sếp thoải mái hay cứng nhắc”, “Mình muốn làm việc ở ngoài trời hay trong văn phòng”..

Đừng bao giờ nhận một công việc chỉ vì tiền lương. Tiền cũng tốt, và nó chắc chắn là yếu tố quan trọng khi ta nói về công việc. Nhưng nó chỉ là 1 yếu tố, chứ không phải tất cả. Đa số chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày cho công việc hơn bất cứ điều gì khác. Nếu những ngày tháng đi làm đang bòn rút sức lực của bạn thì chẳng có số tiền nào có thể bù đắp được.

Hãy làm điều mình thích, và được trả công xứng đáng. Mình nghĩ điều đó không quá khó khăn cho bất kì ai.

094.46.65.172