VÌ SAO BUỔI PHỎNG VẤN DIỄN RA RẤT ỔN MÀ VẪN TRƯỢT?

Thứ Hai, 26-06-2017
Bài viết này mình chia sẻ cho các bạn một số lý do có thể khiến bạn bị loại sau buổi phỏng vấn, cho dù bạn thể hiện cũng không đến nỗi tồi. Các bạn đọc những lý do này để hiểu hơn về cách chọn người của một số bên, để bớt buồn nếu chẳng may bị loại nhé.

Gần đây những bạn tìm đến mình để tư vấn tìm việc gặp phải một số vấn đề phức tạp hơn. Nếu như hồi trước các bạn hay hỏi về cách viết CV như thế nào, viết Cover Letter ra sao cho hấp dẫn, thì vấn đề bây giờ nhiều bạn gặp phải đó là gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn. Có nhiều bạn sau khi đi phỏng vấn cảm thấy bản thân mình thể hiện rất là siêu, ngon ăn đến 99% rồi nhưng không hiểu sao vẫn bị báo trượt hoặc nhà tuyển dụng không thèm hồi âm lại.

Khi mình hỗ trợ cho một số công ty để tuyển dụng, đôi lúc mình và những anh/chị trong HR cũng rất đau khổ khi phải quyết định loại một số bạn, mà lý do thì ‘vì lý do bảo mật’ không thể nói trực tiếp cho các bạn ứng viên bị loại được.

Vậy nên bài viết này mình chia sẻ cho các bạn một số lý do có thể khiến bạn bị loại sau buổi phỏng vấn, cho dù bạn thể hiện cũng không đến nỗi tồi. Các bạn đọc những lý do này để hiểu hơn về cách chọn người của một số bên, để bớt buồn nếu chẳng may bị loại nhé.

 

1. CÔNG TY HIỆN TẠI ĐỔI KẾ HOẠCH, CHƯA MUỐN TUYỂN NGƯỜI NỮA

 

Thông thường ở các công ty sẽ có quy trình tuyển dụng như thế này: Manager của phòng ban cần tuyển (lấy ví dụ là phòng Marketing) sẽ gửi cho HR một bản yêu cầu tuyển người, bao gồm mô tả đầy đủ trách nhiệm, thời gian, lương lậu các kiểu. Sau đó HR bằng các kênh sẽ dụ chúng mình gửi CV về. Lấy ví dụ sau 1 thời gian dụ có 200 CV gửi về, nhiệm vụ của HR là sẽ lọc còn khoảng 10-20 hồ sơ ổn nhất để gọi đi phỏng vấn. Trải qua 1-2 (hoặc thậm chí 3 vòng phỏng vấn), công ty sẽ cho ra được danh sách 3 ứng viên xuất sắc nhất (theo thứ tự). Nếu không có gì thay đổi, 1 trong 3 người đó sẽ là nhân viên mới của công ty.

Tuy nhiên đời không như là mơ, bỗng một buổi sáng thức dậy và sếp của phòng ban đó quyết định huỷ hết, không chọn ai nữa. Lý do thì vô vàn, ví dụ như là: dự án đó tạm thời bị hoãn, quỹ nhân sự của phòng ban tạm thời hơi kẹt, tự nhiên hứng lên thấy không cần tuyển thêm nữa, vân vân và mây mây. Thế là đến lúc khổ cho các anh chị HR, vì phải đau lòng từ chối ứng viên, mà không dám nói ra lý do thực sự.

Đây là lý do khách quan bên trong công ty, cũng là một trong những lý do để chúng ta – những người đi tìm việc biết là đôi khi đời không niềm nở nhưng ta vẫn phải chấp nhận. Ta cứ cố gắng làm tốt việc của ta là trả lời phỏng vấn và thể hiện bản thân thật tốt, còn những chuyện hậu trường thì ta không kiểm soát được đâu.

 

2. BẠN RẤT LÀ GIỎI, NHƯNG LẠI CÓ NGƯỜI GIỎI HƠN CƠ

 

Đây là trường hợp thông dụng và thường gặp nhất. Có thể bạn đã thể hiện bản thân cực kỳ siêu và cảm thấy rất ổn sau buổi phỏng vấn, nhưng điều bạn không biết là ngoài bạn ra có thể nhà tuyển dụng còn phỏng vấn thêm 1 tá đến 2 tá bạn khác nữa, và trong 1-2 tá đó biết đâu lại có ai đó nhỉnh hơn so với bạn. Lấy ví dụ có một lần mình tuyển dụng vị trí Content Marketing, có 2 ứng viên trình độ khá giống nhau, nhưng vì một bạn biết một chút thêm về Design, nên mình quyết định tuyển bạn đó (tiết kiệm thêm tiền thuê design) cho công ty.

Vậy nên đây cũng là một lý do mà ta không thể kiểm soát được, thế nên lúc nào mình cũng bảo các bạn đi tìm việc là, việc của chúng ta là thể hiện CV thật tốt, phỏng vấn thật là trơn tuột chứ chưa chắc 100% đã được chọn vì còn phụ thuộc vào những yếu tố khác như yếu tố này.

 

3. CÓ THỂ BẠN KHÔNG HỢP TÍNH VỚI MANAGER LẮM

 

Cái này cũng là một lý do mà mình thường xuyên gặp để từ chối một bạn ứng viên giỏi. Có thể bạn rất là giỏi về chuyên môn, cái gì ở trong bản mô tả công việc bạn cũng có thể làm tốt cả, nhưng bạn lại không hợp tính với nhà tuyển dụng thì đó cũng có thể là lý do mà bạn không được chọn.

Trong một công ty việc xây dựng văn hoá công ty rất quan trọng. Có nhiều công ty thà tuyển một bạn hơi kém nhưng hợp với văn hoá còn hơn một bạn rất giỏi mà tính cách bị trái ngược với văn hoá công ty. Ví dụ có thời gian mình hỗ trợ một agency phỏng vấn vị trí Marketing Executive, có một bạn ứng viên rất giỏi về mặt chuyên môn, chỉ có điều là tính bạn ý hơi bị nghiêm túc và người lớn quá (mà trong công ty toàn các chị em nhí nhố), nên cuối cùng ban tuyển dụng vẫn quyết định không chọn.

Thật sự việc tính cách này không phải là lỗi của bạn hay lỗi của nhà tuyển dụng đâu. Bạn cũng không nhất thiết phải cố gắng ‘ép’ mình hay thay đổi bản thân để phù hợp với văn hoá công ty cả. Bạn chỉ có thể làm việc tốt khi bạn thực sự phù hợp với môi trường ở đó. Nên nếu chẳng may bạn có ‘fake’ bản thân được trong buổi phỏng vấn mà vào làm ở một nơi không hề hợp với tính cách của mình, thì mình nghĩ sau khoảng 1-2 tháng bạn cũng sẽ chán thôi.

 

Mình hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn bớt ‘buồn rầu’ hơn mỗi khi trượt một lần phỏng vấn. Ngày trước mình cũng đi phỏng vấn khắp nơi, trượt vô kể. Nhưng đấy cũng là lý do mà mình có thêm kinh nghiệm cho bây giờ. Các bạn cứ tiếp tục kiên trì, trau chuốt hồ sơ, tự tin khi đi phỏng vấn, mình tin là cùng lắm 1-2 tháng tiếp theo bạn sẽ tìm được cho bản thân một công việc tốt ngay thôi.

#fptjobs #fpt #telecom

- Nguồn : Blog Anh Tuan Le -